Giới chuyên gia vừa có những dự báo mới nhất về thị trường vàng và giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm, trong đó tiếp tục cho rằng các yếu tố hỗ trợ tăng giá vẫn còn, song kịch bản cực đoan 3.000USD/ounce mà chính họ từng đưa ra tháng trước sẽ không xảy ra (nếu quy đổi ra giá vàng trong nước, ngưỡng 3.000USD/ounce tương đương khoảng 93 triệu đồng/lượng).
Nguyên nhân chính là căng thẳng Trung Đông đã được kiểm soát tốt, và nhất là việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngắt mạch 18 tháng liên tục tăng dự trữ vàng.
Nhu cầu vẫn mức cao, nhưng đang đi ngang
Sau khi chạm mốc cao nhất thời đại, 2.449,89USD/ounce vào ngày 20-5, giá vàng thế giới giao ngay những ngày này đều quanh ngưỡng 2.300USD/ounce. Dù rằng với mức này, giá vàng thế giới đã tăng 11% so với đầu năm, nhưng với diễn biến đi ngang, ngành hàng đặc biệt này chưa có nhiều dấu hiệu sớm bật tăng trở lại.
CEO Hiệp hội Vàng London, ông Ruth Crowell, nói với Reuters: “Hiện đang có quá nhiều yếu tố tác động đến giá vàng thế giới. Tuy nhiên yếu tố quan trọng chính là Trung Quốc, bởi họ thường coi vàng là một lựa chọn an toàn khi xét đến tình trạng của nền kinh tế, thách thức trong lĩnh vực bất động sản cũng như thị trường chứng khoán”.
Ngân hàng trung ương trên khắp toàn cầu, đặc biệt Trung Quốc, từng tăng cường mua vàng để bổ sung vào dự trữ trong bối cảnh đồng nội tệ hạ giá, rủi ro địa chính trị và bất ổn kinh tế gia tăng. Nhưng tay chơi lớn nhất là Trung Quốc đã giảm, sau đó dừng mua vào.
Nhu cầu này của ngân hàng trung ương các nước vẫn đang ở mức cao, song mấy ngày qua đã chững lại. Trong khi đó nhu cầu vàng vật chất từ phía nhà đầu tư thì giảm đáng kể, theo số liệu được cung cấp bởi Trưởng bộ phận kim loại quý khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông của StoneX, ông Amar Singh.
Một yếu tố khác không hỗ trợ cho kỳ vọng giá vàng tăng là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trái ngược với kỳ vọng của giới đầu tư cách đây không lâu rằng trong năm nay sẽ có tối thiểu hai nhịp hạ lãi suất cơ bản đồng USD, đến lúc này, theo biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, nhiều khả năng sẽ chỉ còn một nhịp.
Với những diễn biến mới nhất nêu trên, kịch bản cực đoan giá vàng chạm, thậm chí vượt 3.000USD/ounce trong năm nay sẽ không thể xảy ra, theo Giám đốc điều hành tại quỹ Metal Focus, ông Nikos Kavalis.
Vàng ngày một khó khai thác hơn
Trong khi nhu cầu vàng trên thế giới vẫn ở mức cao thì việc khai thác kim loại quý giá này dường như ngày càng khó khăn hơn. Yếu tố này được cho là sẽ ngăn giá vàng thế giới giảm quá sâu.
Theo dữ liệu mới được công bố của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), sản lượng khai thác vàng năm 2023 chỉ tăng 0,5%, so với 1,35% của năm 2022, và 2,7% của năm trước đó.
Ông John Reade - chiến lược gia tại WGC cho biết ngành khai thác vàng khó duy trì tăng trưởng do các mỏ ngày càng hiếm.
"Chúng ta đã ghi nhận quý I kỷ lục về sản lượng khai thác, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, tôi thấy hoạt động này đã đi ngang từ năm 2018 và đến nay không tăng trưởng mấy", ông Reade nói.
Thế giới ngày càng khó phát hiện mỏ vàng mới, trong khi các khu vực tiềm năng nhất đều đã được khai thác. Ngay cả khi tìm được mỏ mới thì cũng phải 10-20 năm sau, với rất nhiều tốn kém, mới khai thác được quy mô lớn. Đấy là chưa kể, chỉ khoảng 10% mỏ vàng được phát hiện trên toàn cầu là có đủ trữ lượng để khai thác công nghiệp.
Cho đến nay, loài người đã khai thác khoảng 187.000 tấn vàng, phần lớn là từ các mỏ ở Trung Quốc, Nam Phi và Australia. Trữ lượng vàng còn lại có thể khai thác hiện chỉ khoảng 57.000 tấn, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Việc xin giấy phép từ các chính phủ cũng ngày càng khó và mất nhiều thời gian. Quá trình này có thể mất tới vài năm.
Ý kiến bạn đọc